Tuesday, June 16, 2009

Cội Tùng Trước Gió: Hòa Thượng Thích Quảng Độ

Kính thưa quý vị và các bạn ở quốc nội Việt Nam, sau đây là lời nhận định và tâm tình của Giáo sư Lưu Trung Khảo gởi về đồng bào quốc nội. Ông là nhà giáo, nhà bình luận thời sự, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hoa Kỳ

(bấm nghe âm thanh liền)

http://audio.freevietnews.com/20090524_gsluutrungkhao.m3u

Hải ngoại ngày 24 tháng 5, 2009

Kính thưa quý vị và quý bạn ở quốc nội,

Chúng tôi hôm nay xin được tâm tình với quý vị và quý bạn về cuốn tuyển tập mới được xuất bản tại hải ngoại. Cuốn tuyển tập này mang tựa đề là Cội Tùng Trước Gió.



Cội Tùng Trước Gió, cái tên này làm cho chúng ta liên tưởng tới một bài thơ rất nổi tiếng của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ. Bài thơ đó nhan đề là Cây Thông, nguyên văn như sau:


Ngồi buồn mà trách Ông Xanh

Khi vui muốn khóc, buồn tênh là cười

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Giữa trời vách đá cheo leo

Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

Đó là hình ảnh của cây thông, mà tuyển tập này lấy ra để làm biểu tượng cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Hòa Thượng Thích Quảng Độ hiên ngang sừng sững, đứng giữa một xã hội nội ma ngoại chướng, với các Ác và bạo lực hoành hành. Chẳng khác nào cội tùng trước gió!


Thưa quý vị và quý bạn,

Tuyển tập trình bày một cách trang nhã mỹ thuật, dày hơn 500 trang, hình bìa là một hình ảnh của một tiên ông tiên phong đạo cốt, với mái tóc bạc phơ và chòm râu trắng đẹp như chòm râu của mỹ nhân công Quan Vân Trường đời Tam Quốc. Đó là hình ảnh của Hòa Thượng Thích Quảng Độ lúc ngài mới ra tù. Bởi mới ra tù cho nên mới có cái bộ râu dài và cái tóc như vậy ! Chứ nếu một nhà tuhành thì thường thường là phải cạo râu và cạo tóc.



Tuyển tập quy tụ được một lực lượng hùng hậu của các nhà văn trong và ngoài nước viết về Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Các cây viết này thuộc đủ mọi thành phần, tuổi tác, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, và giai cấp. Người đọc có thể tìm thấy trong tuyển tập này những bài viết của giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, nhà văn nhà giáo Doãn Quốc Sĩ, thi sĩ Hà Thượng Nhân, bình luận gia Lý Đại Nguyên, luật sư Đỗ Thái Nhiên, cư sĩ V õ Văn Ái, nhà đấu tranh Võ Đại Tôn, nữ sĩ Bích Huyền, nhà tranh đấu Đào Văn Bình, dân biểu Loretta Sanchez, nữ sĩ Ỷ Lan, Thượng Tọa Thích Giác Đẳng, nhạc sĩ Phan Văn Hưng và đặc biệt Linh mục Phan Văn Lợi.


Tất cả các bài viết trong tuyển tập đều bày tỏ lòng cảm phục và ngưỡng mộ đối với vị Hòa thượng đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc. Với tựa đề "Tấm guơng Bi Trí Dũng sáng ngời", Linh Mục Phan văn Lợi ca ngợi Hòa Thượng Thích Quảng Độ là người có 4 đức tính nổi trội. Thứ nhất, là người có một nhận thức sâu sắc, thứ hai là người có một lòng dũng cảm khôn sánh, thứ ba là người có trí tuệ với tầm nhìn sáng suốt, và thứ tư là một tấm lòng từ bi nhân ái.

Tuy Linh Mục Phan văn Lợi chưa một lần diện kiến Hòa Thượng Thích Quảng Độ, nhưng Linh Mục đã gặp Hòa Thượng Thích Quảng Độ "một cách sâu sắc vừa trên lãnh vực đi tìm chân thiện mỹ, vừa trên lãnh vực đi tìm giải pháp, vừa trong tư cách một kẻ tu hành, vừa trong tư cách một nhà tranh đấu. Sự cảm thông thật là trọn vẹn". Linh Mục Phan văn Lợi rất là tâm đắc với bản văn chấn động "Lời kêu gọi cho Dân Chủ Việt Nam" của Hòa Thượng Thích Quảng Độ, nhân danh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tung ra khắp năm châu ngày 21 tháng 2, 2001.

Linh Mục Phan văn Lợi đọc rất kỹ bản văn đó, và nhận định rằng bản văn này phát xuất từ 3 nhận định và 2 đối trị. HT đã đưa ra ánh sáng, đã đưa ra sách lược 8 điểm nhằm cứu nguy Đất Nước, chứng tỏ một tầm nhìn hết sức sáng suốt cho các vấn đề của quê hương dân tộc hôm nay.

Trong phần kết luận, Linh Mục Phan văn Lợi đã dẫn lời Chúa GiêSu và cho rằng "Chúa Giêsu muốn nói trên Thiên Đàng rồi đây sẽ có bóng dáng những người ngoài Kitô giáo sống theo lương tâm ngay chính, luôn bênh vực Sự Thực, thực hiện lòng bác ái từ biết. Song lại vắng bóng những con người tuy mang danh Kitô hữu nhưng lại dửng dưng với số phận Đất Nước, số phận đồng bào hay đồng loại. Bởi lẽ Thiên Đường là thế giới của tình yêu trọn vẹn vĩnh cửu, và chỉ những ai xả thân vì tình yêu thì mới được đi vào đó".

Bài viết này Linh Mục Phan văn Lợi viết ngày 21 tháng 10, 2007. Nếu viết sau ngày 29.3.2009, chắc chắn Linh Mục Phan văn Lợi không thể không nhắc tới lời kêu gọi sấm sét "bất tuân dân sự" và "biểu tình tại gia" của Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Lời kêu gọi một tháng bất tuân dân sự và biểu tình tại gia này nhằm mục đích đòi hỏi 3 yêu sách: yêu sách thứ nhất là yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam cấp tốc nộp hồ sơ xác nhận chủ quyền thềm lục địa của mình trước ngày 13 tháng 5, 2009.

Yêu sách thứ hai là yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam công bố toàn bộ nội dung 2 bản hiệp ước biên giới trên đất liền và trên biển kèm theo bản đồ. Và yêu sách thứ ba là yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam triệu tập một đại hội đại biểu toàn dân, bao gồm các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế kỹ thuật cơ khí luyện kim, các chiến lược gia quân sự cùng đại biểu các thành phần dân tộc bất phân chính kiến tôn giáo trong và ngoài nước để cùng nhau thống nhất ý kiến, chận đứng việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.

Thưa quý vị và quý bạn,

Ba yêu sách này nhà cầm quyền Việt Nam có đáp ứng hay không là một chuyện, nhưng chúng ta thấy rõ trước áp lực đòi hỏi trong và ngoài nước, họ đã phải nạp hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc đòi chủ quyền ở thêm lục địa và đã gặp ngay sự phản đối của Trung Cộng. Một số người bi quan cho rằng Trung Cộng với dân số đông nhất thế giới với nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, với lực lượng quân sự hùng mạnh với quân số áp đảo, làm sao có thể chống lại được ?

Xin thưa: trong lịch sử gần 5000 năm của dân tộc có bao giờ lực lượng và dân số Việt Nam mạnh hơn và đông hơn Tàu đâu ? Vậy mà ông cha chúng ta vẫn giữ được Nước và có lần Hổ Tướng Lý Thường Kiệt đã mang quân sang trừng phạt người Trung Hoa ở ngay trên chính đất nước Trung Hoa ở Khâm Châu, ở Liêm Châu, ở Ung Châu. Đọc cuốn sách Cội Tùng Trước Gió này, chúng ta sẽ cảm thấy một niềm tự hào dâng lên của mình.

Chúng ta tự hào là một Phật tử Việt Nam, một người Việt Nam chân chính tuy xa Tổ Quốc nhưng tâm hồn lúc nào cũng hướng về Đất Mẹ thân yêu. Chúng ta tự hào là con dân Đất Việt ở trong nước hay ngoài nước, lúc nào cũng đấu tranh cho một Việt Nam hùng cường, cho một dân tộc lúc nào cũng được hưởng hạnh phúc lâu dài.

Hòa Thượng Thích Quảng Độ như một Cội Tùng Trước Gió, mang lại cho chúng ta một niềm tin tưởng và hy vọng. Tin tưởng ở sự trường tồn của Đất Nước, và hy vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, như lời Đại Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi:

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có

Vậy nên Lưu Cung sợ uy mất vía
Triệu Tiết nghe tiếng giật mình

Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô

Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã


Dòng sử Việt trôi chảy từ gần 5000 năm. Đạo Phật ra đời đã gần 26 thế kỷ truyền vào Việt Nam, đạo Phật đã dung hóa với văn hóa Việt, tạo ra sắc thái Phật Việt. Phật Việt trong giòng lịch sử đã cống hiến cho Đất Nước biết bao vị Cao Tăng góp công vào việc xây dựng và bảo vệ quốc gia. Như Sư Vạn Hạnh, Sư Khánh Vân, Sư Khuông Việt, Sư Pháp Thuận, Sư Ngô Chân Lưu và bây giờ là Sư Quảng Độ. Vua Lý Nhân Tông trước kia từng ca ngợi Sư Vạn Hạnh là

Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm thi

Hương quan danh Cổ Pháp

Quải tích trấn vương kỳ.

Bài thơ này đã được dịch ra là:

Vạn Hạnh thông ba cõi

Lời ông hợp sấm thi

Quê nhà tên Cổ Pháp

Treo gậy trấn kinh kỳ

Phỏng theo bài này, ta có thể viết về Thầy Quảng Độ như sau:

Quảng Độ thông Anh Pháp

Tài trước tác văn thi

Quán tại Vũ Đoài xã

Trụ trượng hạ hồng kỳ

Dịch:

Quảng Độ thông Anh Pháp

Giỏi sáng tạo văn thi

Quê làng Vũ Đoài đó

Chống gậy hạ hồng kỳ

Hồng kỳ là cờ đỏ. Đời Tự Đức có giặc Cờ đen do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu. Giặc Cờ vàng do Hoàng Sùng Anh cầm đầu, và giặc Cờ trắng do Bàn văn Nhị. Thì ngày nay chúng ta có giặc Cờ đỏ. Và giặc cờ đỏ đang bị Hòa Thượng Thích Quảng Độ dùng cây tích trượng để hạ xuống.

Trong bài Ngôn Hoài, Sư Không Lộ đã viết:

Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

Có khi lên thẳng non cao chót

Một tiếng kêu to lạnh cả trời

Tiếng kêu của Sư Không Lộ làm lạnh cả bầu trời. Lời kêu gọi một tháng biểu tình tại gia của Hòa Thượng Thích Quảng Độ không làm lạnh cả bầu trời, nhưng là lời kêu gọi sấm sét làm rung động cả trong nước lẫn khắp năm châu.

Trong bài Thị Tịch, Sư Ngộ Ấn có viết:

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị càn.

Ngọc thiêu trên núi còn nguyên sắc

Sen nở trong lò vẫn mãi tươi



Hòa Thượng Thích Quảng Độ là đóa sen nở trong lò, sắc vẫn tươi, là Cội Tùng Trước Gió sừng sững hiên ngang, thách đố mọi cuồng phong bão tố. Là viên ngọc Biện Hòa dù thiêu đốt vẫn giữ được vẻ tươi nhuận. Theo đúng tôn chỉ và giáo lý nhà Phật, lấy từ bi hỷ xả làm phương châm, cuộc đấu tranh bất bạo động của ngài đối với bạo quyền Cộng sản chắc chắn sẽ có kết quả những cuộc đấu tranh của Thánh Cam Địa (Gandhi) Ấn Độ.

Để kết luận Thánh Cam Địa Việt Nam mang tên là Thích Quảng Độ.

Xin cám ơn quý vị và quý bạn đã lắng nghe những lời của chúng tôi.

Lưu Trung Khảo

Hải ngoại 24.5.2009

Giáo sư Lưu Trung Khảo là nhà giáo, nhà bình luận thời sự, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hoa Kỳ.

(bấm nghe âm thanh liền)

http://audio.freevietnews.com/20090524_gsluutrungkhao.m3u

http://audiofreeviet.blogspot.com

KÍNH NHỜ PHỔ BIẾN TẠI VIỆT NAM