Friday, April 24, 2009

Điểm Sách: Hồi Ký của Một Thằng Hèn (Tô Hải)

KÍNH NHỜ PHỔ BIẾN TẠI VIỆT NAM
Nhà văn Trần Phong Vũ bình luận về tác phẩm 
"Hồi Ký của Một Thằng Hèn" của nhạc sĩ Tô Hải, 
Tủ Sách Tiếng Quê Hương phát hành tại Hoa Kỳ

     (bấm vô đây nghe âm thanh)
http://audio.freevietnews.com/0419_nhavanTPVu.m3u

 
Nhà văn Uyên Thao điểm sách
 
Hồi Ký của Một Thằng Hèn
Nhà văn Uyên Thao
viết riêng cho BBC từ Virginia, Hoa Kỳ


NS Tô Hải đứng hàng trên, thứ ba từ trái qua, cùng lớp nhạc sĩ cùng thời

Từng trang "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn" đưa tôi lui dần về bốn mươi năm trước, một buổi sáng cuối năm 1969, tại tòa soạn tuần báo Diễn Đàn trên đường Tạ Thu Thâu ở Sài Gòn, anh Mặc Đỗ - chủ bút - nhắc tôi thực hiện ngay số báo đặc biệt về tin Hồ Chí Minh đã chết.

Lúc nhấc điện thoại liên lạc với các cộng tác viên, tôi nhớ lại mấy câu thơ "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua - Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà..." của Hồ Chí Minh mà đài Hà Nội truyền đi và bên tai vang lên câu nói của người tùy viên văn hoá toà đại sứ Mỹ vào dịp tiếp xúc với một nhóm cầm bút trẻ tại Sài Gòn mấy năm trước, năm 1964.

Chưa bao giờ tôi nghĩ người Mỹ hiểu thấu hoặc ưu tư về tâm cảnh người dân Việt Nam, nhưng câu nói của ông ta đã khiến tôi chấn động thực sự. Ông ta hỏi: "Giới trẻ Sài Gòn nghĩ gì về nhân vật Hồ Chí Minh?"

Bạn tôi, Vũ Ngọc Đĩnh, trả lời: "Hồ Chí Minh là người yêu nước, nhưng đã lầm đường."

Người tùy viên văn hoá lắc đầu, nói người yêu nước trước hết phải thương dân: "Hồ Chí Minh đam mê sự nghiệp của ông ta chứ không thương dân. Không thể bảo ông ta là người yêu nước!"

 
 
<<83 tuổi NS Tô Hải vẫn tiếp tục viết blog

 
Cuộc chiến tự nguyện

Và, những dòng chữ của Tô Hải hiện lên:

"Tôi đã thấy... Cả một xã không còn bóng đàn ông, trắng xóa khăn tang của các chị, các mẹ... Cả một đơn vị, một chuyến phà, một đoàn xe, một gương mặt, thậm chí một bà mẹ già còng lưng chở lính qua sông, mẹ Suốt, một tiểu đội con gái đêm đêm san đường, lấp hố bom, mới gặp mặt hôm trước thì hôm sau đã thành tro bụi."

"Đố ai tìm được cái xác nào sau khi bom B52 rơi trúng bến phà Xuân Sơn nhỏ bé ở Quảng Bình, ở ngã ba Đồng Lộc ấy! Bản thân tôi, khi trực tiếp gặp họ, tôi đều nghĩ: "Chắc đây là lần gặp... cuối cùng." Và, quả là như vậy". -- (HKCMTH - tr. 279)

Đó là quê hương Việt Nam trong cuộc chiến dài gần nửa thế kỷ mà chính người tự nguyện bước vào cuộc chiến như Tô Hải đã nhận định:

"Với tôi cũng như với nhiều người được đọc, được nghe và có được tí chút độc lập suy nghĩ thì cuộc chiến chống Mỹ chẳng có gì là bất ngờ... Đâu phải nó nổ ra từ vụ hải quân tí hon Bắc Kỳ dám "đánh cú liều" vào tầu Maddox ở vịnh Bắc Bộ!"

"Quần áo, mũ, giày, thắt lưng, bao đạn, lương khô... tất cả là...Tàu! Kalachnikoff, T54, Sam I, Sam II, Mig 17 hay Mig 21...tất cả đều đến từ Matxcơva... Còn dân Việt Nam chỉ có... người mà con người Việt Nam thì chỉ cần đứng trước hai chữ "xâm lược" là sẵn sàng, kẻ thù nào cũng... "oánh"!" --(HKCMTH - tr. 266)

Nỗi đau

"Còn dân Việt Nam chỉ có... người". Tô Hải gọi những trang viết của mình là hồi ký và ghi lại nhiều đoạn đời khởi đầu từ 1945, nhưng nổi bật lên chỉ là nỗi dày vò trong tâm khảm của một người ý thức mình đi lạc mà không thể nào dừng bước.

Dù viết về các lời lẽ gian trá hay hành vi tàn bạo của chế độ, dù viết về những ngu xuẩn tận cùng hay lưu manh ghê tởm, dù viết về toan tính của bản thân hay tâm tư của bè bạn, Tô Hải không bao giờ rời nổi nỗi đau đã thành cực hình vò xé tim óc.

Đó là nỗi đau phải sống cuộc sống không còn là cuộc sống con người. Nỗi đau càng lớn hơn khi luôn phải gặp gỡ không ít kẻ mệnh danh trí thức vẫn vênh váo tự hào với cuộc sống đó.

Thực ra, những trang viết của Tô Hải và thực tế Việt Nam đã cho thấy không ít sự biểu lộ thái độ của nhiều người từng có tên trong giới sinh hoạt văn chương nghệ thuật... Đó là những câu thơ viết lúc sắp giã từ cuộc sống của những Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi:

Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi, tôi người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong ...
-- (Chế Lan Viên)

hoặc:

Tất cả người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh, nhuốm đỏ
Tay tôi vương nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi! Xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn...
-- (Nguyễn Đình Thi)

Đó là những dòng chữ cũng viết vào lúc cuối đời của những Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Minh Châu... hay các tác phẩm như "Ba Người Khác" của Tô Hoài, "Ba Phút Sự Thật" của Phùng Quán...


                                                  Hồi ký của NS Tô Hải vừa được xuất bản >>


Chữ hèn

Dù luôn mong có thêm nhiều biểu hiện như thế ở mọi người, Tô Hải đã không ngần ngại cho rằng tất cả đều chưa xa nổi chữ HÈN.

Khi ghi lại nỗi đau riêng của bản thân qua cuộc sống cá nhân nhỏ bé, Tô Hải đã góp thêm chứng tích vào kho thực tế đang kêu gào thức tỉnh về một thái độ từng có và vẫn đang có để vùi dập con người giữa vô vàn tai ách.

Bởi thái độ mà những Bertrand Russell, những Jean Paul Sartre bày tỏ từ nửa thế kỷ trước đây - và chính Sartre đã từ bỏ - vẫn phổ biến trên đất nước Việt Nam.

"Tinh hoa đất nước giờ đâu tá?
Ai cũng hèn như tôi sao?..."

"Ai sẽ đưa con thuyền Việt Nam khỏi con đường vô định này, nếu những người hèn vẫn không dám nhận là mình hèn, không kiên quyết giã từ cái ngu dại, không lên án những gì mà mình làm tưởng là "vinh quang rực sáng" lại chính là "tội lỗi ngút trời", không biết khuyên nhủ con cái chớ có dẫm vào vết chân đầy máu và nước mắt mà mình đã đi qua..."

"Phải kiên quyết giã từ cái quá khứ đầy vinh quang vô ích của mình. Chỉ có sự giác ngộ chính trị cuối cùng này mới giải toả được mọi nỗi đau."

"Sự "trở cờ", "phản bội" để "đi tìm một sự trung thành mới" như Jean Paul Sartre nói không ai dám làm ư? Vì còn... sĩ diện! Vì còn bị quá khứ níu kéo?"

"Bỏ một thứ tà đạo, một niềm tin mù quáng, vứt vào sọt rác cái chiêu bài hoen rỉ, mốc meo, chẳng khác gì ly dị một con vợ độc ác, chẳng yêu gì mình khó lắm sao?"

"Sao rất ít "thức giả" dám tuyên bố công khai: 'Tôi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản?'" (HKCMTH - tr. 411)

Sợ để tồn tại

Những lớp lớp cá nhân Tô Hải qua "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn" dù có đáng thương mức nào, đáng tội nghiệp tới đâu thì cảm xúc xót thương, tội nghiệp dành cho họ sẽ hoàn toàn vô ích.

Bởi nỗi đau mà Tô Hải gánh chịu không phải nỗi đau riêng của Tô Hải, không phải hậu quả chỉ đến với một cá nhân do những chọn lựa của bản thân mà chính là một nét thực tế biểu hiện cái thân phận oan khiên mà dân tộc Việt Nam đang gánh chịu.

Cho nên thay vì bày tỏ cảm giác tội nghiệp xót thương cho cá nhân này hay cá nhân khác, cần nhìn thẳng vào nỗi nhục tự biến mình thành công cụ tôi đòi, nỗi nhục vận dụng tới tận cùng khả năng trí óc để ngụy biện cho sự tình nguyện khom lưng uốn gối là thức thời - theo kiểu Nguyễn Tuân với câu nói từng được lập lại "phải biết sợ để tồn tại."

Những trang cuối kể về cái chết của họa sĩ Dương Bích Liên. Những trang cuối hồi ký của Tô Hải kể lại chọn lựa cuối cùng của hoạ sĩ Dương Bích Liên năm 1988.
ương Bích Liên quyết định rời khỏi đảng Cộng Sản mà ông tham gia từ 40 năm trước, rồi đốt tất cả tác phẩm và tuyệt thực cho đến chết. Bên cạnh xác của ông chỉ còn duy nhất một bức chân dung tự họa chưa hoàn tất với cái tên Ngõ Cụt.

Tự nhiên, tôi bỗng nhớ tới khung cảnh kinh thành La Mã bốc cháy trong tác phẩm Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz và thấy những trùng hợp kỳ lạ với hiện trạng Việt Nam.

Giữa thập niên 60 của thế kỷ công nguyên đầu tiên ấy, những người nghèo khó La Mã hướng về ngọn đuốc sáng Yêu Thương đã bị nhìn như kẻ tử thù bởi triều đình của một bạo chúa. Gần như không có cách biệt khi so sánh thân phận những người nghèo khó ấy với 80 triệu con dân Việt Nam hiện nay. Cũng tương tự, nếu so sánh tập đoàn lãnh đạo Việt Nam với triều đình Neron thuở đó.

Chilon Chilonides

Khác biệt giữa hai thảm cảnh La Mã thuở nào và Việt Nam hiện nay là La Mã có sự hiện diện của thằng hèn Chilon Chilonides. Thằng hèn Chilon đã nhúng tay vào đủ thứ nhơ nhuốc, bạo ngược để được trở thành cận thần của bạo chúa. Thằng hèn Chilon cũng là kẻ đi ban bố lệnh truyền "ném bọn Thiên Chúa Giáo cho sư tử".

Nhưng, chính thằng hèn Chilon đã đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt Neron, cáo giác kẻ chủ mưu đích thực vụ đốt phá kinh thành là ai.

Một thời tôi đã bị cuốn hút tới mức đọc đi đọc lại nhiều lần hai chương Quo Vadis nói về giây phút cuối cùng của thằng hèn Chilon Chilonides - một chương chấm dứt với sự thản nhiên trước cực hình rút lưỡi để được đứng bên đám người nghèo khó vẫn giữ vững nhịp con tim chan chứa tình người và một chương chấm dứt với nụ cười mãn nguyện cùng những dòng nước mắt đón nhận niềm vui của nạn nhân vào giây phút lìa đời.

Nhưng vượt lên trên hết vẫn là hình ảnh thằng hèn Chilon đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt bạo chúa, hình ảnh ghi lại bước khởi đầu sự cáo chung của một triều đại man rợ ghê tởm để những con tim của đám người nghèo khó La Mã đang bị treo trên thập tự giá, bị quăng vào móng vuốt ác thú, bị moi gan rút lưỡi... tiếp tục gửi tình Yêu Thương tới khắp năm châu.

Ý nghĩ cuối cùng dấy lên từ những trang "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn" lại là sự trở về với một thằng hèn trong hình ảnh một ước mơ.

Mong sao sớm xuất hiện tại Việt Nam những thằng hèn Chilon Chilonides!

www.tiengquehuong.com