Tuesday, May 5, 2009

Phỏng vấn: Biển Đông và Công Pháp Quốc Tế (22-12-2008)

Luật sư Nguyễn Hữu Thống:
Vấn Đề Hoàng Sa Trường Sa theo Công Pháp Quốc Tế
 
Kính chuyển quý vị 3 audio phỏng vấn Luật sư Nguyễn Hữu Thống, xoay quanh nội dung Sách "Vấn Đề Hoàng Sa và Trường Sa theo Công Pháp Quốc Tế", mới phát hành tháng 12-2008 tại Hoa Kỳ
 KÍNH NHỜ CHUYỂN TIN VỀ VIỆT NAM
 
 

                (bấm nghe âm thanh)

http://audio.freevietnews.com/20081222ls_nhthong1.m3u

 

http://audio.freevietnews.com/20081222ls_nhthong2.m3u

 

http://audio.freevietnews.com/20081222ls_nhthong3.m3u

 

Đại cương 5 câu hỏi:

 

1.  Tại sao Trung Quốc có thể dễ dàng điềm nhiên

     chiếm đóng và kiểm soát Biển Đông vậy ?

 

2.  Trung Quốc có khả năng xâm lăng Việt Nam và 

     chiếm Biển Đông bằng chiến tranh võ trang không ?

 

3.  Người Việt có thể sử dụng Luật Biển, các Hiệp Ước

     và Hiệp Định đối phó với Trung Quốc về mặt Pháp lý ?

 

4.  Để bảo vệ chủ quyền Việt Nam, Việt Nam có các

     lợi thế nào về địa lý, văn hóa, lịch sử, pháp lý....?

 

5.  Cụ thể, người Việt nên làm gì để ngăn chận Trung Cộng

     tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ & lãnh hải của Việt Nam ?

 

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thống là đệ nhất phó Chủ tịch Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Giáo sư giảng dạy môn chính trị học tại đại học Đà Lạt. Trong 12 năm, ông là Chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam tại California Hoa Kỳ. Hiện đang hành nghề Luật sư Tòa Thượng Thẩm. 30 năm hành nghề luật sư tại Việt Nam và Pháp.

 
Ls Nguyễn Hữu Thống từ năm 1956 đã xuất bản 15 cuốn sách biên khảo về văn học

và chính trị học (Nho Học Giản Dị, Cẩm Nang Nhân Quyền, Giải Thể Chế Độ Cộng Sản, Nền Dân Chủ trong các Tân Quốc Gia, Restoring the Historic Truth..)

 

 

Liên lạc Ls Nguyễn Hữu Thống

nguyenhthong@earthlink.net

 

*

Mục Lục sách

 "Vấn đề Hoàng Sa Trường Sa theo Công Pháp Quốc Tế".

 

Phần Thứ Nhất

 

Các Hiệp Ước Quốc Tế

1.     Các hiệp ước Pháp Hoa

2.     Tuyên cáo Cairo và nghị quyết Teheran

3.     Tuyên ngôn Potsdam

4.     Hiệp định Élysée

5.     Hiệp ước hòa bình San Francisco

6.     Hiệp định Geneva

7.     Tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải

8.     Hiệp định và định ước Paris

 

Phần Thứ Hai

 

Công Ước Quốc Tế về Luật Biển

 

A.   Biển lịch sử

1.     Chính sách bế quan toả cảng

2.     Danh xưng Nam Hải

3.     Luật biển và luật tục lệ quốc tế

 

B.    Các Hải đảo

1.     Thủ đắc do khám phá

2.     Thủ đắc do chiếm cứ

 

C.   Thềm lục địa

1.     Về Trường sa

2.     Về Hoàng sa

3.     10 tiêu chuẩn

4.     Về vịnh Bắc Việt

 

D.   Kế Hoạch và đề nghị

1.     Kế hoạch của Trung Quốc

2.     Đề nghị gởi Đại Hội ASEAN 1995

 

Bản tóm lược

Summary (English)

 

Muốn có sách quý, giá $10, xin liên lạc email nguyenhthong@earthlink.net

 

=================================================

From: nguyenhthong@earthlink.net Date: 2008/12/1

Xin gửi quý bạn bàn thuyết trình mới nhất về

Hoàng Sa Trường Sa. Nguyễn Hữu Thống

 

 

HOÀNG SA TRƯỜNG SA

THEO CÔNG PHÁP QUỐC TẾ

                                                                   

                                   Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

Năm 1982, 119 quốc gia ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về

Luật Biển  và năm 1994 Công Ước có hiệu lực chấp hành.

Hai nguyên tắc hướng dẫn Luật Biển là:

 

1. Dành cho các quốc gia duyên hải quyền đánh cá

   và khai thác dầu khí  200 hải lý tại vùng biển gần bờ.

2. Duy trì tự do hành hải và tự do khai thác

    hải sản tại biển sâu.

 

Sau đây là những ý niệm đại cương về các

danh từ chuyên môn dùng trong Luật Biển.

 

Theo Toà Án Quốc Tế The Hague và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Biển Lịch Sử
là nội hải nằm về phía đất liền, bên trong đường căn bản của Biển Lãnh Thổ. 

 

Đường Căn Bản thông thường là lằn mức thủy triều xuống thấp.

Biển Lãnh Thổ (Lãnh Hải) 12 hải lý chạy từ đường căn bản ra khơi.

Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý để đánh cá trùng điệp với Thềm Lục Địa để khai thác dầu khí chạy từ biển lãnh thổ ra khơi.  Đảo là giải đất thiên nhiên bao bọc bởi nước và cao hơn mực nước thủy triều. Các đảo Đài Loan hay Tích Lan được quyền có quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Tuy nhiên, các tiểu đảo không có thường dân cư ngụ và không tự túc về kinh tế (như Hoàng Sa và Trường Sa) không được hưởng quy chế này.
 

CÁC HIỆP ƯỚC QUỐC TẾ

Vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có thể được giải quyết dứt khoát trên căn bản công pháp quốc tế. Tại Biển Đông Luật Pháp và Địa Lý là hai kẻ thù của Trung Quốc.

 

 

1. Các Hiệp Ước Việt-Pháp-Hoa

 

    Năm 1884 Việt Nam ký với Pháp  Hiệp Ước Patenôtre theo đó Pháp nhận bảo hộ và đại diện Việt Nam về mặt ngoại giao đồng thời cam kết bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

 

Theo Hiệp Ước Thiên Tân ký với Pháp năm 1884, Trung Quốc từ bỏ chủ quyền (hữu danh vô thực) đối với Việt Nam, và cam kết tôn trọng các hiệp ước Việt Pháp như Hiệp Ước Patenôtre.

 

Năm 1887, Pháp (đại diện Việt Nam) ký với Trung Quốc Hiệp Ước Bắc Kinh  để phân ranh hải phận Vịnh Bắc Việt theo đó Việt Nam được 63% và Trung Quốc được 37%.

 

2. Tuyên Cáo Cairo 1943.

 

    Trong Thế Chiến Thứ II, ba Cường Quốc Đồng Minh đại diện bởi Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt, Thủ Tướng Anh Churchill và Tổng Thống Trung Quốc Tưởng Giới Thạch đã ký Tuyên Cáo Cairo ngày 27-11-1943 nhằm tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả lãnh thổ và các hải đảo ở Thái Bình Dương đồng thời giao hoàn Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ cho Trung Quốc. Tại Hội Nghị Cairo sở dĩ Tổng Thống Tưởng Giới Thạch không đòi trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc vì Tổng Thống hay biết và nhìn nhận rằng hai quần đảo này không thuộc chủ quyền của Trung Quốc (mà thuộc chủ quyền của Việt Nam).

 

 

3. Tuyên Ngôn Potsdam 1945.

 

    Chiếu Tuyên Ngôn Potsdam 1945 tại vùng Thái Bình Dương, để tước khí giới quân đội Nhật, Đồng Minh quyết định chia Việt Nam thành 2 khu vực: Quân đội Trung Hoa có nghĩa vụ giải giới quân đội Nhật tại vùng Bắc Vĩ Tuyến 16 (Đà Nẵng) trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Và quân đội Anh được ủy nhiệm giải giới quân đội Nhật từ Vĩ Tuyến 16 vào Nam trong đó có quần đảo Trường Sa.

 

Giải giới binh sĩ không phải là tiếp thu lãnh thổ. Do đó nếu Anh Quốc không có chủ quyền lãnh thổ  tại Trường Sa, thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền lãnh thổ  tại Hoàng Sa (và Trường Sa).

 

4. Hiệp Định Elysée 1949.

 

    Năm 1947, Anh Quốc trả độc lập cho Ấn Độ và Đại Hồi, Qua năm 1948, Pháp và Việt Nam ra Thông Cáo Chung Vịnh Hạ Long để thừa nhận chủ quyền  độc lập của Việt Nam.

 

Và tại Paris tháng 3-1949, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol đã ký với Quốc Trưởng Bảo Đại Hiệp Định Elysée để trao trả độc lập cho Quốc Gia Việt Nam.

 Qua tháng 4-1949, Quốc Hội Nam Kỳ đã biểu quyết giải tán chế độ Nam Kỳ Tự Trị để sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất.

Với sự thu hồi độc lập và thống nhất năm 1949,Việt Nam có tư cách để tự bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ từ Nam Quan đến Cà Mâu, kể cả tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

 5. Hiệp Ước Hòa Bình San Francisco 1951.

 

    Mùa Xuân 1945, 51 quốc gia đồng minh họp Hội Nghị San Francisco để thành lập Liên Hiệp Quốc. Năm 1951, 51 quốc gia đồng minh hội viên sáng lập Liên Hiệp Quốc lại họp Hội Nghị Hòa Bình San Francisco để ký Hiệp Ước Hòa Bình Nhật Bản ngày 8-9-1951.

Điều 2 Hiệp Ước quyết định trao trả chủ quyền lãnh thổ cho các quốc gia đồng minh tại Á Châu Thái Bình Dương như sau:

 

(a) Nhật Bản nhìn nhận nền độc lập của Triều Tiên.

(b) Nhật Bản khước từ chủ quyền tại đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ  [để giao hoàn cho Trung Quốc].

(c) Nhật Bản khước từ chủ quyền tại các quần đảo Kurile và Sakhalin [để giao hoàn cho Liên Sô].

(d) Nhật Bản khước từ chủ quyền tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa [để giao hoàn cho Việt Nam].

Đây là một quyết định hợp lý.

 

Thật vậy trong Thế Chiến II có sự tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Pháp (đại diện Việt Nam) tại hai quần đảo này. Ngày 30-3-1939 Nhật Bản công bố đặt Hoàng Sa và Trường Sa dưới quyền kiểm soát của Chính Phủ Đông Kinh vậy mà Trung Quốc đã không lên tiếng phản đối. Chỉ có Bộ Ngoại Giao Pháp, nhân danh Việt Nam, đã gửi công hàm ngày 21-4-1939 để phản kháng Chính Phủ Nhật Bản. Do đó khi Nhật Bản tuyên bố từ bỏ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, các quốc gia tham dự Hội Nghị Hòa Bình San Francisco  đã minh thị phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc và mặc nhiên chấp nhận  giao hoàn cho Việt Nam  hai  quần đảo này.

 

Trước đó, ngày 5-9-1951, Ngoại Trưởng Liên Sô Andrei Gromyko đã đệ trình tu chính án để yêu cầu Hội Nghị trao trả Đài Loan, Bành Hồ,  Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) cho Trung Quốc. Tuy nhiên tu  chính án này đã bị Hội Nghị bác bỏ với 46 phiếu chống và  3 phiếu thuận.

 

Ngày 7-9-1951, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, Trưởng Phái Đoàn Quốc Gia Việt Nam đã lên diễn đàn để công bố chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà  không gặp sự phản kháng nào của các quốc gia tham dự Hội Nghị.

 

6. Hiệp Định Geneva 1954.

 

    Năm 1954, để giải quyết Chiến Tranh Đông Dương, Hội Nghị Geneva  được triệu tập với sự tham dự của 9 quốc gia gồm Ngũ  Cường Mỹ, Anh, Pháp, Liên Sô và Trung Quốc, cùng với Ai Lao, Cao Miên và 2 nước Việt Nam là Quốc Gia Việt Nam (Miền Nam) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc). Hiệp Định Geneva ngày 20-7-1954,  một lần nữa, đã xác nhận chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa (lúc này là Quốc Gia Việt Nam) tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Thật vậy, theo Điều 4 Hiệp Định Geneva: "Giới tuyến giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. Quân đội Liên Hiệp Pháp phải rút khỏi tất cả các hải đảo về phía Bắc giới tuyến (Vĩ Tuyến 17). Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (Miền Bắc) phải rút khỏi tất cả các hải đảo về phía Nam giới tuyến (Vĩ Tuyến 17) trong đó có các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ngày 4-9-1958 Chính Phủ Trung Quốc tuyên bố mở rộng biển lãnh thổ (lãnh hải) từ 3 hải lý thành 12 hải lý. Quyết định này được áp dụng cho tất cả các hải đảo như Đài Loan (Taiwan), Bành Hồ (Pescadores), Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Bản Tuyên Bố cố tình viện dẫn một số hải đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc vì tọa lạc tại thềm lục địa 200 hải lý, như Đài Loan (nằm sát Hoa Lục), Bành Hồ (tại Eo Biển Đài Loan).

 

Ngoài ra còn cố níu kéo và nhận vơ một số hải đảo và quần đảo không thuộc chủ quyền của Trung Quốc vì tọa lạc ngoài thềm lục địa 200 hải lý, quần đảo Hoàng Sa (tại các Vĩ Tuyến 17-15, cách Hoa Lục 270 hải lý) và quần đảo Trường Sa (tại các Vĩ Tuyến 12-8, cách Hoa Lục từ 550 đến 780 hải lý).

 

Quyết Nghị năm 1958 của Trung Quốc chỉ là sự sao chép nguyên văn tu chính án của Liên Sô tại Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951. Như ta đã biết, tu chính án này đã bị Hội Nghị bác bỏ với 46 phiếu chống và 3 phiếu thuận.

 

Chiếu Tuyên Cáo Cairo 1943, Tuyên Ngôn Potsdam 1945, Hòa Ước Hòa Bình San Francisco 1951 và Hiệp Định Geneva 1954, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc mà thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa. Vì vậy năm 1958 Chính Phủ Hà Nội không có tư cách sở hữu chủ để trao các quần đảo này cho Trung Quốc.

 

7. Hiệp Định và Định Ước Paris 1973.

 

Ngày 27-1-1973 Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã ký Hiệp Định Hòa Bình Paris nhằm "kết thúc chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam".

 

Chiếu Điều 15 Hiệp Định "việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên căn bản thương nghị và thỏa thuận giữa Miền Nam và Miền Bắc, không bên nào cưỡng ép bên nào, không bên nào thôn tính bên nào, thời gian thống nhất sẽ do Miền Nam và Miền Bắc Việt Nam đồng thỏa thuận".

 

Để thi hành Hiệp Định Paris, với sự chứng kiến của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, 12 bên tham dự Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam đã ký  Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam   ngày 2-3-1973,.

 

Theo Điều 4 Định Ước "các bên ký kết Định Ước này trân trọng cam kết sẽ triệt để tôn trọng chủ quyền độc lập, thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam".

 

Mặc dầu vậy, 10 tháng sau, tháng 1-1974, Trung Quốc đã huy động toàn lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, bất chấp Tuyên Cáo Cairo, Tuyên Ngôn Potsdam, Hiệp Ước Hòa Bình San Francisco, Hiệp Định Geneva và Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam. Ngoài ra Trung Quốc còn vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự xâm chiếm này không được luật pháp thừa nhận.

 

Dầu sao, chiếu Điều 77 Luật Biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền tuyệt đối của quốc gia duyên hải, mọi sự chiếm cứ bất cứ từ đâu tới đều vô giá trị và vô hiệu lực, nhất là

chiếm cứ võ trang.

CÔNG ƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC VỀ  LUẬT BIỂN

Năm l982 cùng với 118 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Ký xong, Bắc Kinh mới thấy lo! Ký Công Ước thì phải theo Công Ước. Những điều khoản trong Công Ước đã quá rõ rệt: Các quốc gia duyên hải chỉ được hưởng quy chế 200 hải lý Vùng Đặc Quyền Kinh Tế để đánh cá đồng thời là Thềm Lục Địa để khai thác dầu khí.

 

 Trong khi đó, Hoàng Sa cách lục địa Trung Hoa 270 hải lý và Trường Sa cách Hoa Lục 750 hải lý. Hơn nữa các quần đảo này tọa lạc tại các vĩ tuyến 17- 8 nên không thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

 

Biển Lịch Sử.

 

Đuối về pháp lý , Trung Quốc đưa ra thuyết Biển Lịch Sử  hay Lưỡi Rồng Trung Quốc. Lưỡi Rồng Trung Quốc là một vùng biển bao la chạy từ Việt Nam qua Nam Dương, Mã Lai, Brunei và Phi Luật Tân. Theo ngoa ngôn của Bắc Kinh, Biển Lịch Sử Trung Quốc rộng bằng phân nửa lục địa Trung Hoa.

 

Lưỡi Rồng Trung Quốc nằm sát Biển Đông Nam Á, cách Quảng Ngãi 40 hải lý, cách Natuna (Nam Dương) 30 hải lý, cách Sarawak (Mã Lai), và Palawan (Phi Luật Tân) 25 hải lý. Nó chiếm trọn 3 túi dầu khí đang khai thác là Bãi Tứ Chính (Vanguard) của Việt Nam, Bãi Natuna của Nam Dương và Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi Luật Tân. Nó chiếm hơn 80% Biển Đông Nam Á.

 

Về yêu sách Biển Lịch Sử của Trung Quốc, các luật gia tại Viện Hải Học Đông Tây (Hawaii) phải kêu lên rằng: "Không có nguyên tắc hay điều khoản nào trong Công Pháp Quốc Tế  cho phép Bắc Kinh đòi như vậy!"

 

 Trung Quốc không theo luật pháp mà theo chính sách cố hữu mệnh danh là Chính Sách Đại Hán. Tất cả các lãnh thổ và hải đảo thuộc ảnh hưởng Trung Quốc (từ thời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế hay Minh Thành Tổ) sẽ mãi mãi thuộc chủ quyền Trung Quốc.

 

 Chính sách này được phổ biến trong thập niên 1950 với cuốn Cách Mạng Trung Quốc và Đảng Cộng Sản Trung Quốc và cuốn Lược Sử Tân Trung Quốc nhắc lại  những cương lĩnh và những lời tuyên bố của Mao Trạch Đông chẳng hạn như: "Tất cả các lãnh thổ và hải đảo thuộc

khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc đã bị phe Đế Quốc chiếm đoạt từ giữa thế kỷ 19 đến sau Cách Mạng 1911, như Ngoại Mông, Triều Tiên, An Nam (Việt Nam), Hồng Kông, Macao cùng những đảo tại Thái Bình Dương như Sakhalin, Đài Loan, Bành Hồ sẽ phải được giao hoàn cho Trung Quốc". 

 

Và sẽ vĩnh viễn thuộc về Trung Quốc bằng sự chinh phục và khai hóa của văn minh chống man di (Territory once won for civilization must not be given back to barbarism: Luận Án Tiến Sĩ do Lo Chi-Kin đệ trình Đại Học Kinh Tế Chính Trị Luân Đôn 1986).

 

 Chính Sách Đại Hán nói trên được tái phát động từ sau Hiệp Định Bàn Môn Điếm 1953 tại Triều Tiên và Hiệp Định Geneva 1954 về Đông Dương. Nó đạt tới cao điểm năm 1974 khi các lực lượng Hoa Kỳ và Đồng Minh triệt thoái khỏi Việt Nam sau Hiệp Định Paris 1973.

 

 Tại vùng Biển Đông Nam Á, Biển Lịch Sử hay Lưỡi Rồng Trung Quốc là mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh. Tuy nhiên vì thuyết Biển Lịch Sử chỉ là một chính sách giả tưởng hay một khẩu thuyết vô bằng, không căn cứ vào các điều khoản của các hiệp ước và công ước quốc tế, kể cả Luật Biển và Luật Tục Lệ Quốc Tế.

 

Vì biết rõ điều đó nên, từ thập niên 1990 khi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được ban hành, Trung Quốc không bao giờ dám chấp nhận để Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế thụ lý những vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Lo Chi-Kin, sdd). Thật vậy, theo Tòa Án Quốc Tế The Hague, Biển Lịch Sử chỉ là nội hải.

 

Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982:  "Biển Lịch Sử hay nội hải của một quốc gia, nằm trong đất liền, về phía bên trong đường căn bản của Biển Lãnh Thổ." (Điều 8). Như vậy Biển Nam Hải không phải là Biển Lịch Sử của Trung Quốc vì nó là ngoại hải và cách lục địa Trung Hoa hai  ngàn cây số.

 

 Và từ 1982 Chủ Nghĩa Đại Hán hay Chủ Nghĩa Bá Quyền Trung Quốc do Mao Trạch Đông phát động từ thập niên 1950 đã bị chặn đứng bởi luật pháp và tòa án của nhân loại văn minh.

         

Định Ranh Thềm Lục Địa và Xác Định Chủ Quyền Hải Đảo.

 

Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa, Tòa Án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Tòa Án  Trọng Tài Quốc Tế  và Tòa Án Quốc Tế  The Hague đưa ra 10 tiêu chuẩn để giải quyết vấn đề định ranh thềm lục địa và xác định chủ quyền các hải đảo.

 

 1) Vị trí của các đảo đối với bờ biển tiếp cận. Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tọa lạc tại các Vĩ Tuyến 17-8 thuộc vùng nhiệt đới như Việt Nam, chứ không ở vùng ôn đới như Trung Hoa.

 

Đảo Hoàng Sa cách lục địa Việt Nam 160 hải lý và cách lục địa Trung Hoa 270 hải lý. Tại vùng biển Trường Sa, bãi Tứ Chính cách lục địa Việt Nam 190 hải lý và cách Hoa Lục 780 hải lý. Đảo Trường Sa cách lục địa Việt Nam 220 hải lý và cách Hoa Lục 750 hải lý. Do đó về mặt vị trí Việt Nam có ưu thế, và Tòa Án Quốc Tế sẽ cho Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

 

2) Diện tích các hải đảo so sánh với chiều dài bờ biển tiếp cận.  Đảo Hoàng Sa rộng 0.56km2 bằng 1/1000 đảo Phú Quốc (568km2), nên được đồng hóa vào lục địa Việt Nam. Trong khi đó bờ biển Việt Nam dài hơn 10 lần bờ đảo Hải Nam phía tiếp giáp Hoàng Sa.

 

3) Về độ sâu và địa hình đáy biển, các đảo, cồn, đá, bãi Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Độ sâu nhất tại Hoàng Sa là 900 m và tại Trường Sa là 200 m. Trong khi đó, từ Hoàng Sa và Trường Sa về Hoa Lục có 2 rãnh biển sâu hơn  2300 m và 4600 m. Như vậy Hoàng Sa và Trường Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Trung Hoa từ đất liền ra ngoài biển.

 

 4) Về mặt địa chất, năm 1925, sau 2 năm nghiên cứu, đo đạc và vẽ bản đồ, Tiến Sĩ Khoa Học A. Krempt, Giám Đốc Viện Hải Học Đông Dương đã xác nhận rằng: "Về mặt địa chất các đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam".

 

5) Về dân số, các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có thường dân cư ngụ và không tự túc về kinh tế. Trong khi đó số dân cư ngụ tại miền bờ biển Việt Nam đông gấp 12 lần số dân sinh sống tại đảo Hải Nam.

 

6)  Về khí hậu và sinh thực học,  tại Hoàng Sa và Trường Sa các đảo san hô cũng như cây cỏ và sinh vật tiêu biểu cho vùng nhiệt đới Việt Nam, chứ không thấy ở vùng ôn đới Trung Hoa.

 

 7) Về Khu Đặc Quyền Kinh Tế để đánh cá, Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa là khu vực đánh cá căn bản của Việt Nam. Trong khi  đó, ngoài hải phận về phía tây, đảo Hải Nam còn được thêm 200 hải lý để đánh cá về phía đông thông ra Thái Bình Dương.
 

 8)  Tại Thềm Lục Địa Việt Nam những vùng có dầu khí nằm tại giữa Vịnh Bắc Việt và tại khu bãi Tứ Chính phía đông nam Cà Mâu.  Đây là nơi kết tầng các thủy tra thạch chứa đựng các chất hữu cơ do nước phù sa Sông Hồng Hà và Sông Cửu Long, con sông dài nhất Đông Nam Á, từ cao nguyên Tây Tạng đổ ra biển từ cả triệu năm nay.

Không có con sông lớn nào từ lục địa Trung Hoa hay từ  đảo Hải Nam chẩy ra Biển  Đông. Do đó dầu khí nếu có là do các chất hữu cơ từ lục địa Việt Nam chứ không phải từ Hoa Lục. Hơn nữa, ngoài hải phận về phía tây,  đảo Hải Nam còn được thêm 200 hải lý thềm lục địa để khai thác dầu khí về phía đông thông ra Thái Bình Dương.
 

 9)  Biển Đông với Hoàng Sa, Trường Sa có ảnh hưởng kinh tế, chính trị,  chiến lược và an ninh  quốc phòng mật thiết với Việt Nam hơn là Trung Quốc . Vì Trung Quốc còn có Biển Hoàng Hải và Đông Trung Quốc Hải chạy thông ra Thái Bình Dương.

 

10)  Các tài liệu, sách báo, họa đồ hay các chứng tích lịch sử phải có tính khách quan, vô tư và xác thực. Dầu sao các tài liệu này cũng không có giá trị bằng các yếu tố khoa học như địa lý, địa hình, địa chất, dân số, khí hậu, sinh thực học, và những yếu tố đặc thù về kinh tế chính trị, chiến lược và an ninh quốc phòng.

 

Về Biển Nam Hải chúng ta chỉ viện dẫn một vài tài liệu khách quan do chính người Trung Quốc biên soạn.

Tần Thủy Hoàng chia Bách Việt thành 3 Quận:

1) Nam Hải (Quảng Đông)

2) Quế Lâm (Quảng Tây), và

3) Tượng Quận (Bắc Việt)

 

Như vậy theo các học giả Trung Quốc, Nam Hải là tên biển của miền Hoa Nam, cách Quảng Đông 50 dặm về phía Nam. Các nhà hàng hải Tây Phương muốn cho tiện nên gọi đó là Biển Nam Hoa (South China Sea). (Ngoại nhân xưng Nam Trung Quốc Hải).

 

Theo cuốn Tân Từ Điển Thực Dụng Hán Anh do các học giả Trung Quốc biên soạn tại Hồng Kông năm 1971 thì "Nam Hải là vùng biển kéo dài từ Eo Biển Đài Loan đến Quảng Đông".

 

 Theo Từ Điển Từ Hải xuất bản năm 1948 thì "Nam Hải thuộc chủ quyền lãnh thổ của 5 quốc gia là Trung Hoa, Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân và Đài Loan".  (Đúng lý là Nam Dương ở vùng nhiệt đới thay vì  Đài Loan ở vùng ôn đới). Nếu Ấn Độ Dương không phải là đại dương của Ấn Độ, thì Biển Nam Hoa cũng không phải là biển của nước Trung Hoa về phía Nam.

 

 Vì vùng biển này tọa lạc tại Đông Nam Á, nên năm 1995 trong Bản Tường Trình gửi 7 vị nguyên thủ các Quốc Gia trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á, người viết đề nghị Khối ASEAN đổi danh xưng Biển Nam Hoa thành Biển Đông Nam Á.

 

 Ngoài ra người viết còn đề nghị với nhà cầm quyền Việt Nam nhờ các luật gia và chuyên gia quốc tế vẽ ranh Thềm Lục Địa Địa Chất (nền lục địa) để yêu cầu Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc quyết định cho Việt Nam được nới rộng thềm lục địa từ 200 hải lý (370 km) tới mức 350 hải lý (650 km).

 

Sau đó đưa vụ tranh chấp Thềm Lục Địa và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra Hội Đồng Trọng Tài hay Toà Án Quốc Tế, nếu cuộc điều giải bất thành. Từ đó đến nay đã 13 năm Chính Phủ Hà Nội vẫn án binh bất động.

 

Trước thái độ khiếp nhược của chính quyền, người dân Việt Nam trong và ngoài nước phải đứng lên giành lại chủ quyền lãnh thổ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời bảo vệ hải phận của Việt Nam tại Biển Đông Nam Á.

 

Sở dĩ Trung Quốc không dám mạnh tay với Phi Luật Tân, Nam Dương hay Mã Lai vì, tại các quốc gia này, Dân sẽ đứng lên yểm trợ Chính Quyền trong công cuộc bảo toàn lãnh thổ.

 

Tại Việt Nam ngày nay lòng yêu nước và nguyện vọng của Dân không được biểu lộ bằng những cuộc biểu tình tuần hành. Mọi hành động biểu dương lực lượng đều bị Chính Quyền bưng bít, lên án và đàn áp.

 

Do đó hơn bao giờ hết, theo truyền thống đấu tranh hào hùng của Dân Tộc, chúng ta phải đòi thực hiện cho bằng được châm ngôn khuôn vàng thước ngọc của Tổ Tiên để xây dựng một chế độ dân chủ:  Lấy Dân Làm Trọng và

Coi Nhẹ Chính Quyền (Dân vi quý Quân vi khinh)

 

Với một Chính Phủ của Dân, do Dân và vì Dân, chúng ta sẽ đòi lại đất đai, hải phận và các hải đảo hiện do ngoại bang cưỡng chiếm trái với Luật Pháp và Đạo Lý.

 

      Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

  trong Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền